Nhiều người nghĩ ngủ ngáy to chứng tỏ sức khỏe tốt, thực tế đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Các mô trong cổ họng, cơ ở vòm miệng, lưỡi mềm giãn hơn, đè vào một phần đường thở, rung lên tạo ra tiếng ngáy. Đường thở càng bị thu hẹp, luồng không khí rung mạnh, tiếng ngáy càng to.
1. Ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng gây ngưng thở những đợt ngắn khi bạn đang ngủ.
2. Phân loại ngưng thở khi ngủ
Có 2 loại ngưng thở khi ngủ: ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương.
- Trong ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn, bạn bị ngừng thở do cổ họng bị hẹp hoặc đóng lại (Hình 1).
- Trong ngưng thở khi ngủ trung ương, bạn bị giảm hoặc ngừng thở do não không phát tín hiệu đến cơ hô hấp. Đa phần các trường hợp ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn, đó cũng là nội dung của bài này.
Bệnh nhân ngưng thở không tự nhận biết rằng mình bị ngưng thở, nhưng đôi khi họ giật mình thức dậy hoặc thở hổn hển. Người ngủ chung có thể nghe họ ngáy hoặc thấy họ ngừng thở (ngực, bụng ngừng nhấp nhô).
3. Triệu chứng ngưng thở khi ngủ
Các triệu chứng chính của ngưng thở khi ngủ bao gồm: ngáy to, mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày. Các triệu chứng khác có thể gồm:
- Ngủ không yên giấc
- Khi ngủ cảm thấy nghẹt thở hoặc phải thức dậy thở hổn hển
- Đau đầu, khô miệng hoặc đau họng vào buổi sáng
- Tiểu đêm
- Thức dậy thấy mệt mỏi, không sảng khoái
- Khó suy nghĩ tập trung, khó ghi nhớ
Một số bệnh nhân ngưng thở khi ngủ không có hoặc không để ý đến các triệu chứng trên. Họ có thể nghĩ là bình thường do cơ thể bị mệt hoặc do ngáy quá nhiều.
4. Điều trị ngưng thở khi ngủ
Có nhiều phương pháp điều trị. Bên cạnh các phương pháp điều trị này, một số thay đổi hành vi cũng sẽ giúp cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ:
- Nằm nghiêng khi ngủ.
- Giảm cân, nếu bạn thừa cân, béo phì
- Tránh uống rượu bia, vì nó có thể làm tình trạng ngưng thở khi ngủ nặng thêm
4.1. Giảm cân có thể giúp ích nếu bạn thừa cân hoặc béo phì. Nhưng giảm cân có thể khó khăn và cần nhiều thời gian để giảm số cân nặng cần thiết đối với ngưng thở khi ngủ. Hầu hết bệnh nhân cần phương pháp điều trị khác đồng thời với giảm cân.
4.2. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho ngưng thở khi ngủ là một thiết bị giúp đường thở của bạn mở ra khi ngủ. Đó là máy thở “áp lực dương liên tục” (viết tắt tiếng Anh là CPAP). Bệnh nhân sử dụng CPAP bằng cách đeo 1 mặt nạ khi ngủ. Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có sử dụng CPAP sẽ cảm thấy giấc ngủ ngon hơn và thường thấy khỏe hơn.
4.3. Thiết bị nha khoa: thiết bị được thiết kế để đeo trong miệng, gọi là “dụng cụ đẩy hàm”. Dụng cụ này cũng giúp mở rộng đường thở của bạn khi ngủ. Nhưng nhìn chung, hiệu quả của dụng cụ này không tốt bằng CPAP và chỉ thích hợp với những trường hợp ngưng thở nhẹ đến trung bình.
4.4. Phẫu thuật mở rộng đường thở: Trong một số hiếm trường hợp, nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên bạn phẫu thuật để mở rộng đường thở. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải lúc nào cũng hiệu quả, hoặc ngưng thở có thể tái phát sau phẫu thuật.
5. Tác hại của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ có chất lượng giấc ngủ không tốt, nên thường bị mệt và không tỉnh táo. Điều này đặt bệnh nhân vào nguy cơ gây tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ngưng thở khi ngủ dễ có nguy cơ mắc tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác. Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ nặng, được điều trị thích hợp có thể giúp ngăn ngừa các nguy cơ này.
Không nên chủ quan với hội chứng ngưng thở khi ngủ dù đa phần nó không đe dọa đến tính mạng người bệnh song ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ cũng như sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng đã triển khai các thăm khám lâm sàng và các thăm dò hô hấp khi ngủ nhằm phát hiện các biểu hiện ngừng thở, giảm thở, giảm oxy máu trong giấc ngủ của các đối tượng có nguy cơ để chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn cần tư vấn chẩn đoán và điều trị hội chứng này hãy liên hệ Khoa Hô hấp – Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng qua hotline 0915065324 – 0772366715.