SỎI TIẾT NIỆU: TRIỆU TRỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH CHĂM SÓC SAU TÁN SỎI

Thứ hai - 29/01/2024 17:02

          Sỏi tiết niệu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh đường tiết niệu ở cả nam và nữ. Khi sỏi không gây bế tắc đường tiết niệu, thì chúng không gây triệu chứng gì trầm trọng hay tổn thương gì đáng kể. Tuy nhiên, khi sỏi gây bế tắc, sẽ gây đau đớn, nhiễm trùng và suy giảm chức năng thận, thậm chí tử vong khi sỏi gây các biến chứng toàn thân nặng nề.


Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng sỏi tiết niệu do sỏi thận
          Sỏi thận có thể gây ra cơn đau quặn dữ dội ở lưng dưới hoặc một bên thân mình. Cơn đau do sỏi tiết niệu thường có hướng lan xuống bụng, mặt trong đùi hoặc bộ phận sinh dục khi sỏi di chuyển gây tắc nghẽn đường niệu. Ngoài ra, các triệu chứng lâm sàng của sỏi tiết niệu khác khi hình thành tại thận có thể bao gồm:
          - Buồn nôn và nôn
          - Nước tiểu đục hoặc có máu
          - Sốt
          - Tiểu buốt, rắt
Triệu chứng sỏi tiết niệu do sỏi niệu quản
          Nếu quá lớn, sỏi có thể kẹt lại trong niệu quản và cản trở dòng chảy của nước tiểu. Lúc này, người bệnh cơn đau do sỏi niệu quản thường có hướng lan xuống bụng, mặt trong đùi hoặc bộ phận sinh dục. Ngoài ra còn có các triệu chứng:
          - Nước tiểu có thể có màu hồng đôi khi lẫn cục máu đông.
          - Đi tiểu thường xuyên hơn, đau và rát như những triệu chứng lâm sàng của sỏi tiết niệu.
          - Sốt, rét run hay gai rét khi kèm theo có nhiễm trùng.
Triệu chứng sỏi tiết niệu do sỏi bàng quang
          - Đau bụng dưới rốn
          - Nước tiểu đục hoặc sẫm màu
          - Có máu trong nước tiểu
          - Tiểu buốt, rắt
          - Khó đi tiểu, bắt đầu và dừng dòng nước tiểu, mất kiểm soát nước tiểu
          - Đau ở gốc dương vật.
          - Đái tắc khi có sỏi kẹt niệu đạo

SỎI TIẾT NIỆU CÓ BIẾN CHỨNG GÌ?

          Tùy từng vị trí và kích thước của sỏi mà có các biến chứng khác nhau:
          - Nhiễm trùng đường tiết niệu, thận ứ mủ, nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. 
          - Suy thận cấp sau thận, suy thận mạn tính khi mô thận bị phá hủy hoàn toàn, mất hết chức năng.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SỎI TIẾT NIỆU HIỆU QUẢ

          - Tán sỏi thận, niệu quản ngược dòng với ống mềm: Áp dụng điều trị cho sỏi thận kích thước trung bình, sỏi niệu quản đoạn trên. Là phương pháp tán sỏi nội soi qua đường đi tiểu, dùng tia Laser phá vỡ sỏi, hoàn toàn không có sẹo;
           - Tán sỏi nội soi ngược dòng ống cứng: phương pháp điều trị sỏi niệu quản, tiếp cận sỏi qua đường đi tiểu, dùng tia Laser phá vỡ sỏi, hoàn toàn không có sẹo, phục hồi nhanh
           - Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: Với sỏi to, sỏi san hộ, sỏi nhiều viên (Trước đây cần mổ mở để xử trí)

CÁCH CHĂM SÓC SAU TÁN SỎI TIẾT NIỆU

          - Sau tán sỏi niệu quản người bệnh thường được đặt ống thông JJ từ thận - niệu quản xuống bàng quang nên có thể có các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu máu. Các triệu chứng này sẽ đỡ dần và hết sau khi rút JJ. Ống thông JJ sẽ được rút theo chỉ định của phẫu thuật viên, thường từ 2 đến 4 tuần, tuỳ tình trạng viêm, hẹp, tổn thương của niệu quản khi tán sỏi. Người bệnh lưu ý tuân thủ lịch rút thông JJ vì nếu thông JJ đặt quá 3 tháng có nguy cơ tạo sỏi bám dọc ống thông, đứt ống thông. Một số trường hợp đặc biệt phẫu thuật viên mới đặt ống thông JJ có thể lưu trong cơ thể người bệnh > 3 tháng.
Sau tán sỏi nên ăn gì?
          Để đảm bảo sỏi sẽ không tái phát trở lại và giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, ổn định sức khỏe thì cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng cụ thể như sau:
          – Sau tán sỏi thể trạng của người sẽ yếu đi nên ban đầu sẽ ăn các loại đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp.
          – Sau khoảng 2-3 ngày, tình trạng đã ổn định hơn, khi đó người bệnh nên ăn các thực phẩm để tăng cường sức đề kháng như thịt nạc, cá, rau xanh, sữa, các loại hoa quả,..
          – Bổ sung thực phẩm giàu canxi: Một sai lầm của người bệnh sỏi là loại bỏ canxi khỏi chế độ ăn. Trên thực tế, bổ sung lượng canxi phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa hình thành sỏi và rất tốt cho cơ thể.
          – Uống đủ nước từ 2-4l/ngày và các loại thức uống lợi tiểu như: nước ép rau cần tây, nước hoa quả (cam, chanh, bưởi,..), nước ngô non luộc, nước đậu đen,…
          – Bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin và dễ tiêu hóa như: rau lang, rau mồng tơi, rau diếp cá, chuối, đậu phụ, rau đay, súp lơ,…
          – Bổ sung thêm các thực phẩm có khả năng kháng khuẩn tốt như: hành, hẹ, mật ong, nghệ, gừng, bắp cải,… Sau khi uống hết thuốc kháng sinh giảm đau thì các thực phẩm này sẽ có ích rất nhiều trong việc chống nhiễm khuẩn ngược dòng.
          Xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm cần thiết sau quá trình tán sỏi
Sau tán sỏi cần kiêng ăn gì?
          Ngoài các thực phẩm cần bổ sung thì người bệnh cũng cần lưu ý kiêng một số loại thực phẩm, đồ uống dưới đây:
          – Hạn chế ăn chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ
          – Hạn chế ăn mặn, giảm muối trong bữa ăn
          – Tránh các đồ ăn khó tiêu, cứng để giảm việc co bóp dạ dày
          – Kiêng các loại đồ uống chứa chất kích thích như: cà phê, bia, rượu, trà đặc.
          – Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng, thuốc bổ mà chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
Chế độ vận động và thăm khám sau tán sỏi
          Vận động được coi là một trong những cách phòng ngừa sỏi hiệu quả. Tuy nhiên, đối với người bệnh sau tán sỏi cần lưu ý như sau để có chế độ vận động đúng cách. Cụ thể:
          – Người bệnh nên nằm nghỉ tại giường hoặc đi lại nhẹ nhàng trong giai đoạn sau tán sỏi ít nhất 1-2 ngày theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
          – Sau khoảng từ 5-7 ngày thì có thể bắt đầu tập thể dục cường độ thấp rồi tăng dần mức độ nhưng lưu ý không vận động quá sức cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Chế độ vận động và thăm khám sau tán sỏi
          Về chế độ thăm khám, người bệnh nên chủ động thăm khám chuyên khoa tiết niệu 6 tháng/lần trong 5 năm đầu để theo dõi bệnh thường xuyên và kiểm soát khả năng tái sỏi, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
          Đối với việc chăm sóc người bệnh sau tán sỏi niệu quản, người bệnh cần quan tâm tới chế độ ăn uống, vận động và thăm khám để có được hiệu quả điều trị tốt nhất. Hiện nay, các phương pháp tán sỏi hiện đại đã và đang được áp dụng rộng rãi với lợi thế không mổ, không đau, sạch sỏi an toàn và người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm dứt điểm nỗi lo về sỏi.
         
          Sỏi hệ tiết niệu cũng là một trong số những bệnh thường gặp nhất tại khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng. Tại đây, các chuyên gia – bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm sẽ thăm khám và chỉ định những phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả nhất cho người bệnh. 

          Để đặt lịch khám các bệnh lý đường tiết niệu hay đặt câu hỏi có liên quan hãy liên hệ với Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng qua hotline: 086.221.5986

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây