SƠ CỨU GÃY XƯƠNG ĐÚNG KỸ THUẬT

Thứ năm - 22/02/2024 09:38



GÃY XƯƠNG là tình trạng thương tổn làm mất tính liên tục của xương. Có thể kèm theo tổn thương khớp hoặc phần mềm như da, cơ, thần kinh, mạch máu.

Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây gãy xương thường gặp là sau chấn thương, xương bị gãy bởi một lực tác động mạnh có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, hay gặp sau tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sau té, ngã.
Gãy xương bệnh lí xảy ra tại vùng xương yếu do loãng xương, ung thư xương, viêm xương,...

*Những dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương:
- Nghe tiếng gãy xương (“ rắc”, “ tách”) khi xảy ra chấn thương.
- Sưng nề, bầm tím ở vùng bị chấn thương.
- Đau nhiều, đau chói, tăng lên khi sờ, nắn, tỳ đè, di chuyển vùng xương nghi ngờ bị gãy.
- Đoạn xương gãy gây biến dạng vùng, chi bị thương.
- Trong gãy xương hở, có thể thấy đầu xương lộ qua vết thương hở hoặc xương chọc qua da gây chảy máu nhiều.
- Hạn chế hoặc mất vận động vùng, chi bị thương.
- Trong gãy xương bệnh lí, các dấu hiệu có thể ít và khó nhận biết hơn.

* Phương pháp chẩn đoán:
- Lâm sàng: Dựa vào thăm khám phát hiện các dấu hiệu gãy xương hoặc nghi ngờ gãy xương (biến dạng chi, cử động bất thường, lạo xạo xương, đau chói, sưng nề, hạn chế vận động…)
- Cận lâm sàng:
+ X - Quang: là xét nghiệm đầu tay, nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền giúp đánh giá vị trí, hình thái tổn thương xương và một số cấu trúc lân cận. Đôi khi phải chụp CT scan hoặc MRI nếu trên X- Quang không đánh giá được đầy đủ, rõ ràng tổn thương phục vụ điều trị.
+ Xét nghiệm máu, dịch khác: giúp đánh giá tình trạng mất máu, nhiễm trùng,..

* Phương pháp điều trị: Tùy vào vị trí, mức độ gãy xương đã được chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
- Điều trị bảo tồn: là phương pháp điều trị nhằm đưa vị trí xương gãy về lại cấu trúc giải phẫu bình thường thông qua việc nắn chỉnh sau đó cố định bằng bó bột, nẹp cố định hoặc kéo liên tục.
- Điều trị phẫu thuật: là phương pháp can thiệp phẫu thuật đưa xương gãy về đúng cấu trúc giải phẫu bằng các phương tiện kết hợp xương.
+ Phương tiện kết hợp xương bên trong: chỉ kim loại, đinh nội tủy, vít, nẹp vít.
+ Phẫu thuật gãy xương bằng kết hợp xương ngoài: khung cố định ngoài thẳng (Fessa, Muller, Hoffman,Orthofix,..), khung cố định ngoài vòng (Ilizarov),..

* Sơ cứu gãy xương
Nguyên tắc quan trọng:
- Không nên vội di chuyển nạn nhân khi chưa rõ các tổn thương khác ( đặc biệt tổn thương cột sống)
- Không cố gắng xác định có gãy xương hay không bằng các ấn mạnh vào ổ tổn thương.
- Không tự ý nắn chỉnh xương cho thẳng trục.
- Với trường hợp gãy hở, bất động ngay ở tư thế gãy.
- Khi cố định không buộc quá chặt, làm cản trở lưu thông máu.
- Gọi hỗ trợ y tế
- Bất động sớm vùng xương gãy.
- Cầm máu vết thương (nếu có).
- Băng ép vết thương bằng băng vô trùng, vải hoặc quần áo sạch
- Cố định chi, vùng chấn thương bằng nẹp, vật cứng tương tự để thay thế.
- Lót vải, bông ở các điểm xương tiếp xúc nẹp.
- Cố định qua hai khớp, một khớp trên và một khớp dưới ổ gãy.
- Chườm đá để hạn chế sưng tấy, giúp giảm đau (lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da, nên bọc vào vải, khăn)
- Nếu nạn nhân rơi vào trạng thái ngất xỉu hoặc thở gấp, khó thở: đặt nạn nhân xuống mặt phẳng, đầu thấp hơn thân và nâng cao chân nếu có thể.
- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Sơ cứu gãy xương quan trọng nhất là hạn chế di chuyển nạn nhân, cần cố định nạn nhân và lập tức liên hệ dịch vụ y tế khẩn cấp. Khi có các vấn đề về chấn thương, cơ xương khớp cần được tư vấn xin liên hệ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng qua hotline 0862215986.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây